Tôi là Ê-ri

Chương 59



Ngồi tù ở Bahrain!!!

Bước sang tuổi bốn mươi, đếm lại tôi đã bỏ nghề được mười năm thế mà vẫn phải trở lại làm gái bán dâm một lần nữa nhưng lần này là ở Bahrain.

Đến Bahrain tôi thấy người Muslim (người Hồi giáo) ở Bahrain không tỏ thái độ khinh ghét những người phụ nữ làm nghề bán thân một cách rõ ràng, quyết liệt như những người ở Muslim nơi khác. Thậm chí họ còn thích thân thiết với gái bán dâm nữa là khác. Tất nhiên đấy là đàn ông Bahrain, phụ nữ Bahrain chúng tôi không mấy khi gặp.

Cảnh sát Bahrain phần lớn là người tốt bụng, khác hẳn với cảnh sát Singapore. Bản thân tôi có rất nhiều bạn bè là cảnh sát CID ở Bahrain. Bọn họ cũng mở các đợt càn quét những ổ mại dâm. Nhưng những người bạn CID sẽ báo cho tôi thời gian nguy hiểm, nơi nào cần phải cẩn thận, nơi nào cấm đến chơi, nơi nào đứng đón khách… Ngoại trừ khi nào chúng tôi thật sự vận đen thì có thể vô tình bị bắt. Nếu bị cảnh sát CID chính thống bắt, họ sẽ không cướp tiền của chúng tôi hay đưa ra điều kiện trao đổi và càng không có chuyện sàm sỡ. Bọn họ cứ xử với tư cách là tín đồ Hồi giáo ngoại đạo.

Vào dịp lễ hội Ramadan khoảng tháng tám, tháng chín, Bahrain cấm bán tất cả các loại rượu hoặc đồ uống có cồn, sàn nhảy, quán rượu, bar đều đóng cửa, ngừng phục vụ trong vòng một tháng. Tất cả quán ăn ở Bahrain sẽ đóng mở theo thời gian cố định, tức là một ngày mở cửa vào ba khoảng thời gian, mỗi lần chỉ được mở khoảng hai, ba giờ mà thôi. Tôi và các bạn của mình phải ngừng “cung cấp dịch vụ”, chúng tôi không mấy khi có khách. Mọi người phải sống trong khổ sở, tiền mua cơm khi có khi không, đôi khi chúng tôi còn phải đi vay lãi để sống qua tháng đó.

Tôi ở Bahrain, chờ Dave quay lại công tác. Được tin Dave sẽ tới sau khi lễ Ramadan kết thúc, tôi cảm thấy rất vui, Dave sẽ trả tiền thuê phòng để đến ở cùng tôi thay vì ở khách sạn. Dave tới Bahrain, đến ở cùng tôi như thỏa thuận. Lúc đó tôi không còn lấy một xu dính túi, không có tiền mua đồ dùng nhưng Dave cũng không tỏ ý sẽ giúp tôi tiền sinh hoạt. Tôi rất thắc mắc chuyện Dave keo kiệt như thế. Cuối cùng, khi không chịu được nữa, tôi bảo Dave trở về doanh trại, tôi còn phải đi làm. Và tôi cũng không cần anh ta trả tiền phòng nữa vì tôi đã chán ngấy một Dave keo kiệt thế này rồi. Dave rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói vậy nhưng anh ta vẫn cố gắng nói chuyện với tôi để cả hai có thể hiểu nhau hơn. Anh đồng ý đáp ứng mọi yêu cầu của tôi nhưng tôi không chịu cho Dave một cơ hội nữa. Tôi suy nghĩ rất nhiều và rút ra kết luận: một là, Dave chưa từng rộng rãi với tôi trong suốt hai năm quen nhau, tôi đã cho anh nhiều cơ hội nhưng anh không hề thay đổi; hai là, Dave đã có vợ, có gia đình hạnh phúc nên tuyệt đối không bao giờ có chuyện anh trở thành người yêu hoặc chung sống với tôi suốt đời.

Cho đến khi Dave quay về Mỹ, chúng tôi cũng ngồi lại nói chuyện. Dave để lại cho tôi số tiền nhiều hơn tất cả các lần anh cho tôi trong hai năm qua. Tôi mang tiền đi trả tiền phòng, trả nợ bạn, vẫn còn thừa ra một ít tiền nên tôi quyết định chuyển chỗ trọ, thuê một căn phòng mới rẻ hơn đề phòng tháng sau không kiếm được tiền. Công việc cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, ngày nào cũng có khách, đôi khi cả tuần tôi chẳng có khách nào, thu nhập không cố định.

Vậy là tôi đã chuyển đến phòng trọ mới. Chỗ này chỉ phải thanh toán tiền phòng theo tuần, rẻ hơn, tiết kiệm hơn vì tôi và bạn cùng phòng mỗi người trả một nửa, như vậy đỡ phải mang gánh nặng tiền nong khi tới cuối tháng.

Khi tôi và cô bạn thân tên Chiếp chuyển đến ở phòng trọ mới, trong túi mỗi người còn lại khoảng mười bi-đi, vừa đủ để xin giấy phép ra vào quán bar. Do vậy, đêm hôm đó chúng tôi phải cố gắng đi tìm khách, nếu không sẽ không có tiền mua cơm ăn và không có tiền để xin giấy phép đi làm ngày tiếp theo.

Trong quán bar, có khá nhiều khách thích tôi nhưng nhìn bọn họ đều giống người Ả Rập, còn tôi chỉ đi với khách Tây tôi. Chiếp bảo thôi: “Chị Nỉnh này, nếu đêm nay không có khách Tây, mình cũng phải đi khách thôi, nếu không ngày mai chị em mình chẳng còn đồng nào trong người đâu”. Tôi cũng đành nghe theo. Nhưng thật may mắn vì đến nửa đêm bỗng có một vị khách Tây đến hỏi chuyện tôi, hỏi tôi tên là gì, người nước nào. Tuy nhiên vị khách Tây này khiến tôi thấy sợ và không muốn đi cùng vì anh ra to lớn như những vận động viên thể hình vậy. Tôi trả lời tôi là E-ri, người Nhật. Vừa nghe vậy, gã Tây đã lập tức chuyển sang nói chuyện bằng tiếng Nhật với tôi. Tôi giật mình vì anh ta nói tiếng Nhật khá thành thạo. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Nhật, càng lúc càng hợp nhau hơn, cuối cùng anh ta sử dụng dịch vụ qua đêm với giá tám nghìn bạt.

Chiếp rất vui vì tôi có khách, như thế nghĩa là ngày mai hai chúng tôi đã thoát chết rồi.

Khi đến khách sạn, tôi mới biết vị khách này là doanh nhân làm việc khắp thế giới. Anh ta có vẻ rất giàu, ở khách sạn năm sao, dùng toàn đồ hiệu.

Chưa hết một tiếng tôi đã xong việc gồm cả massage cho anh ta để giết thời gian nữa, khách nói nếu tôi muốn về nhà có thể về luôn, ngày mai anh ta sẽ đến tìm tôi ở chỗ cũ. Tôi quá vui vì không phải qua đêm, tôi gọi điện cho Chiếp ngay hy vọng kịp quay lại làm việc vì lúc đó mới một giờ sáng, vẫn còn thừa thời gian để làm việc cả đêm nữa. Chiếp nói cô ấy về nhà rồi vì không có khách và cũng không có tiền xin giấy phép vào quán bar khác, cô ấy giục tôi về làm nộm đu đủ ăn. Tôi thấy cũng được, đỡ phải đi làm nữa, về nhà nghỉ ngơi, mai lại đi cùng khách Tây đó. Nhưng thế là đủ tiền phòng tuần này rồi.

Tôi về đến phòng ở tầng ba của khách sạn, gõ cửa nhưng không thấy Chiếp mở cửa. Gọi điện thì Chiếp nói: “Chị Nỉnh xuống tầng hai gấp, có khách cần hai người”. Nơi chúng tôi thuê phòng, khi có khách họ cũng gọi chúng tôi đi làm. Cũng tốt, như thế chúng tôi được làm ngay tại khách sạn, đỡ phải ra ngoài, đỡ phải mất phí.

Tôi hỏi Chiếp: “Khách là người nước nào?”. Chiếp trả lời: “Người Oman”, tôi bảo: “Chị không xuống đâu!” nhưng Chiếp vẫn cố nài: “Chị xuống xem trước đi, chị không làm thì cũng không sao, xuống đây ngồi chơi, xuống uống rượu cùng nhau cũng được, khách rất hào phóng bo tiền không ngừng, không cần ngủ cũng được tiền, chỉ cần xuống vui vẻ với nhau thôi”. Tôi định xuống tầng hai tìm Chiếp và lấy chìa khóa rồi sẽ lên phòng.

Nhưng khi xuống đến nơi, tôi thấy Chiếp đã rất say, chỉ mặc mỗi áo ngực và quần trong còn khách vẫn ăn mặc lịch sự, quần áo đầy đủ. Chiếp nói với tôi khách bo bốn mươi bi-đi mà không yêu cầu làm việc, chỉ cần ngồi uống rượu và múa cho anh ta xem. Tôi đồng ý, chỉ uống rượu cũng được bốn mươi bi-đi, khoảng bốn nghìn bạt, quá hời. Một lúc sau, Chiếp và khách vào phòng, tôi ngồi chơi điện tử ngoài phòng khách. Đang say sưa chơi điện tử, tôi cảm thấy có người đi vào phòng. Ngẩng đầu lên tôi thấy ba người đàn ông người Ả Rập đang tiến lại phía tôi từ phía ban công, tôi nghĩ bọn này chắc sẽ hiếp tập thể tôi và Chiếp. Thêm hai người đàn ông nữa đi vào, tôi gọi Chiếp: “Chiếp, bọn nó dẫn người vào đầy phòng, lần này thì chúng mình chết chắc”. Hai người mới tới phòng Chiếp và khách, ba người đàn ông còn lại nói với tôi: “Không phải sợ, chúng tôi không làm gì cô đâu. Chúng tôi là cảnh sát CID”. Một trong số ba người còn lại hỏi tôi: “Xuất trình visa, cô có visa không?”. Tôi không biết họ có đúng là cảnh sát thật hay không bởi nhiều bạn tôi đã từng bị kẻ giả danh cảnh sát bắt, chúng bắt họ ngủ cùng, đôi khi còn hiếp dâm tập thể nữa. Rồi một người khác nói tiếp: “Tôi sẽ không làm gì cô, sẽ thả cô đi và sẽ không trao trả cô về Thái Lan nếu cô nói cho chúng tôi biết khách sạn này còn bao nhiêu bạn cô, ở những phòng nào”. Vì muốn thoát thân, tôi liền nói với họ: “Tầng năm, sáu còn nhiều người lắm”. Lúc đó tôi chỉ sợ tôi và Chiếp bị hiếp dâm tập thể hoặc tệ hơn là bị chết trong phòng giống như bạn tôi từng bị ở Nhật.

Nhưng cuối cùng, bọn họ không tìm thấy cô gái nào ở tầng trên nên tôi và Chiếp bị đưa về đồn cảnh sát. Hóa ra bọn họ đúng là CID!

Lát sau, một tốp CID khác đưa bảy, tám cô gái Thái về đồn. Lúc ấy tôi mới biết đó là đêm họ càn quét gái bán dâm người nước ngoài tại Bahrain. Gần như không ai chạy thoát bởi bọn họ đóng giả khách chơi trà trộn vào tất cả các điểm bán dâm. Hôm đó, nếu tôi ngủ lại với khách Tây thì đã thoát thân. Nhưng số phận đã an bài. Đen quá, đây là đêm đầu tiên tôi đi làm sau khi nghĩ lễ Ramadan một tháng, còn chưa đủ tiền mua vé máy bay và tiền quá hạn visa trở về Thái đã “được cảnh sát đến tận nơi mời đón”.

Tôi phải liên lạc với Dave để xin tiền máy bay về Thái Lan, Dave không thể chuyển tiền sang cho tôi được và cũng không biết phải chuyển như thế nào vì tôi đang ở trong tù. Tôi liên lạc với người thân nhờ chuyển tiền sang nhưng anh chị tôi đều không có tiền. Vậy là tôi sẽ phải ngồi tù ở Bahrain ba tháng.

Nhưng thật may vì Chiếp liên lạc được với người thân, họ nói sẽ chuyển tiền cho và còn tốt bụng cho tôi vay nữa. Nếu không có Chiếp chắc tôi sẽ phải ở Bahrain tận ba tháng rồi mới được trở về Thái Lan.

Thật ra, ngồi tù lần này không làm tôi và Chiếp khủng hoảng lắm bởi chúng tôi đã quen với việc bị bắt. Chỉ tiếc là bị bắt quá sớm.

Nhà tù Bahrain được xây dựng cạnh bờ biển nên ai muốn trốn cũng không thể thoát được. Điều này cũng giống ở Nhật Bản và Singapore, họ cũng xây nhà tù trên vách đá cạnh bờ biển. Bên trong, nhà tù chia thành những dãy phòng giam dài liền nhau giống như nhà trọ, có tất cả bốn dãy, hai dãy nhà giam nữ và hai dãy nhà giam nam. Phòng giam nữ chỉ có giám thị nữ và hai người Bahrain, họ nhìn chúng tôi đầy khinh miệt. Mỗi khi chạm vào người chúng tôi, bọn họ dùng găng tay cao su cứ như thể chúng tôi có vi khuẩn gây bệnh vô cùng nguy hiểm, nếu bị lây sẽ chết ngay lập tức vậy.

Tôi và Chiếp rủa họ bằng tiếng Thái: “Tưởng chúng mày sạch sẽ lắm đấy hả? Chúng mày nên biết chồng chúng mày đều đã từng ngủ với tao đấy”.

Giám thị bắt chúng tôi cởi hết quần áo xem chúng tôi có cất giấu gì phạm pháp hay không. Khi cởi áo, bọn họ vừa nhìn vừa nói với nhau cứ như đang nghiên cứu thân thể chúng tôi, có khi còn người nhưng chúng tôi nghe không hiểu.

Tù nhân cũ phần lớn là người Thái Lan. Bọn họ xúm lại hỏi chúng tôi bị bắt ở đâu, ở khách sạn nào, quán rượu hay bar, căn hộ. Sau đó người nói chúng tôi sẽ phải ngồi tù tận ba tháng, người khách thì lại bảo chỉ phải ngồi tù không quá bảy ngày. Chiếp bật khóc khi nghe sẽ phải ở tù cả tháng, còn tôi thì bình thản hơn, tôi đã quá quen với việc ngồi tù rồi, từng sống trong tù hơn ba năm giờ ngồi ba tháng có gì là to tát, chẳng mấy chốc sẽ được về nhà. Nghĩ đi nghĩ lại còn không muốn về nhà nữa là khác vì về thì biết làm gì, ở đâu.

Ở đây không phải làm việc như nhà tù Thái Lan, không có tập thể dục hay được phép hút thuốc lá như ở nhà tù Nhật Bản nên mọi người chỉ biết tụ tập nhóm lớn nhóm nhỏ buôn chuyện. Chúng tôi ngủ giường tầng, mọi người được tự chọn giường, mỗi người một giường, không chen chúc nhưng giường chiếu khá bẩn. Phòng giam của tôi có khoảng hơn trăm người mang nhiều quốc tịch khác nhau. May mắn cho chúng tôi, đầu gấu phòng này là người Thái. Người này có lẽ đã sống trong nhà tù này nhiều tháng rồi nên mới được lên chức “đại tỷ”, cô ta buôn ma túy ở Bahrain nên chưa được dẫn độ về Thái Lan.

Chúng tôi mỗi người chỉ có hai bộ quần áo mặc mà thôi, nếu không đủ phải đi mượn của người khác để mặc. Một ngày trong tù của chúng tôi bắt đầu từ lúc sáu giờ sáng, thức dậy làm vệ sinh cá nhân rồi đợi ăn sáng vào lúc bảy giờ. Chúng tôi phải xếp hàng nghiêm chỉnh để đợi đến lượt, bữa sáng có nước trà, bơ, rô ti và một ít hoa quả.

Người Bahrain dùng tay bốc cơm và thức ăn, giống như người Thái Lan thời xưa. Chúng tôi cũng không có thìa, phải ăn bốc. Chán nhất là thức ăn của họ nặng mùi gia vị, đến mức rửa tay vẫn không hết mùi, thêm một điểm nữa là thức ăn đựng trong khay trũng, kể cả nước canh và sữa nên khá khó khăn khi muốn uống nước canh hay uống sữa, mỗi lần dốc khay tất cả thức ăn sẽ chảy chung vào một chỗ. Bạn tưởng tượng xem nó kinh khủng như thế nào.

Chúng tôi phải ăn xong trước tám giờ sáng, sau đó đợi điểm danh. Đến khoảng chín giờ, mọi người chia nhau đi về phòng của mình. Đây là khoảng thời gian chúng tôi tụ tập thành nhóm, ngồi bàn bạc xem về Thái Lan sẽ làm gì, rồi hẹn hò gặp nhau tại Thái, một số người lại muốn trở lại Bahrain vì có người yêu ở đây. Trong suốt các cuộc bàn bạc tôi chưa từng thấy ai tính bỏ nghề này cả. Tôi và Chiếp thống nhất với nhau sau khi về Thái Lan sẽ đi Malaysia vì Chiếp từng làm việc tại đó nên có nhiều người quen.

Mười một giờ rưỡi, chúng tôi lại xếp hàng đợi lấy đồ ăn trưa. Bữa trưa là rô-ti, canh cà ri và còn có thêm rau thái nhỏ để bên cạnh khay nữa. Một điều quan trọng là nếu ai không ăn được thịt bò thì xin chia buồn vì ở Bahrain, mọi người trong tù đều phải ăn thịt bò, nếu không ăn được thì phải nhịn, đến bản thân tôi cũng phải phá luật của mình để có thể sống sót vì tôi nghĩ Phật bà chắc sẽ không giận và trừng phạt tôi đâu. Ăn trưa xong giám thị lại điểm danh một lần nữa.

Khi đã ăn trưa và điểm danh xong, chúng tôi lại được thả cho tiếp tục vui chơi tự do như buổi sáng cho đến năm giờ chiều, bữa tối mà chúng tôi chờ đợi cuối cùng cũng đến. Mọi thứ vẫn như cũ, tức là vẫn phải xếp hàng theo trật tự để lấy thức ăn, bữa tối có cơm, thịt và một ít hoa quả. Sau khi ăn lại điểm danh một lần nữa. Tôi không hiểu bọn họ điểm danh gì mà nhiều thế, một ngày những ba lần.

Buổi tối, chúng tôi lại túm tụm hàn thuyên hết chuyện này đến chuyện khác cho đến lúc ngủ. Cuộc sống cứ trôi qua như vậy được sáu ngày thì tôi và Chiếp được thả ra để dẫn độ về Thái Lan. Khi rất nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc tại sao tôi và Chiếp lại chỉ bị giam có mấy ngày. Thật ra là bởi tôi và Chiếp đã có vé máy bay và thanh toán tiền quá hạn visa xong hết rồi.

Chuyến đó tôi nợ Chiếp hai mươi nghìn bạt. Như vậy tôi ở Bahrain suốt hai năm trời nhưng không được gì cả, có duy nhất một điều an ủi là tôi cũng gửi về biếu mẹ được một ít.

Tôi nghĩ lại, sống ở Nhật đến sáu, bảy năm cuối cùng bị bắt tôi cũng trắng tay, đi đi lại lại Hồng Kông bao nhiêu lần cũng không để được đồng nào. Singapore cũng thế.

Dù tôi có đi nước nào đi nữa, cuối cùng cũng trở về nước với hai bàn tay trắng!

Dave dặn tôi về Thái Lan thì liên lạc với anh ngay nên tôi gọi cho Dave. Dave khuyên tôi đi học một khóa trang điểm, anh ấy sẽ giúp đỡ tôi. Dave trả mấy chục nghìn bạt tiền học phí cho tôi, thậm chí cả tiền thuê phòng vì tôi không hợp với anh trai nên phải chuyển ra ngoài.

Học xong, không xin được việc, tôi quay ra viết sách, viết để gửi đi thi giành giải thưởng năm mươi nghìn bạt. Tôi đã viết Tôi là Ê-ri như thế đấy.

Không ngờ tôi được giải nhất giải thưởng Chommard, số tiền thưởng nhiều hơn tưởng tượng của tôi rất nhiều. Đoạt được giải thưởng này cũng giúp tôi gặp được nhiều nhân vật quan trọng. Tôi đã có công việc, tôi đã thấy con đường của mình, hy vọng đã đến với tôi một lần nữa.

Cám ơn những người tốt đã giúp đỡ tôi, giúp tôi thoát khỏi nghề bán thân, giúp đời tôi sang trang mới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện