Lửa Thiêu Rừng Hạnh

Chương 12: Hồn đoạn lam tước lĩnh



Sườn núi Lam Tước Lĩnh, Chung Đào dọn đám cỏ dại xung quanh, tấm bia mộ Chung Hạnh dần dần hiện ra trước mắt anh.

Hai mươi tám năm về trước, cũng vào mùa hoa hạnh nở đẹp rực rỡ, tất cả mọi việc như mới vừa xảy ra ngày hôm qua.

Màu phấn hồng của những cành hoa hạnh nở rộ đầu cành nhuộm kín cả một vạt núi Lam Tước Lĩnh. Cơn gió mạnh thổi qua, dưới ánh nắng mặt trời sắc hoa biến thành màu hồng thắm bay bay trong gió rồi rơi là tả xuống đất, cả bầu trời rợp đầy sắc hoa vần vũ.

"A! Mưa hoa hạnh, mưa hoa hạnh".

Những chàng trai, cô gái căng đầy nhựa sống tuổi xuân, đẹp như những bông hoa hạnh. Trong vất vả gian lao họ luôn thắp lên ngọn lửa hy vọng về một ngày mai tươi sáng, cũng giống như bài hát Bài ca thanh niên tri thức mà họ đang hát, réo rắt, réo rắt lay động lòng người... Mỗi khi mọi người cất lên tiếng ca bài hát đó Chung Hạnh lại lấy chiếc kèn acmonica ra đệm. Hai tay cô giữ chặt chiếc kèn màu hồng thổi một cách say sưa, đôi mắt nai tơ xinh đẹp ngước nhìn rừng hoa hạnh mọc đầy bên sườn núi.

Vẻ ngây thơ trong trắng của cô như vẫn còn lẩn quất đâu đây...

Chung Đào quỳ xuống trước tấm bia, anh bật lửa châm nến, đốt tiền vàng, những ngọn lửa màu vàng nhạt cuộn lên nhảy múa trong gió.

Xen lẫn trong đó là ngọn lửa màu xanh ma quái ẩn hiện giống như cơn ác mộng đeo đẳng mãi không thôi, hai mươi tám năm nay ngọn lửa đó luôn hiện hữu thiêu cháy lòng anh.

Chung Đào thả từng tờ tiền vàng vào trong lửa, lửa cháy bập bùng khiến khuôn mặt anh trở lên hồng rực.

Khóe mắt Chung Đào ứa lệ, giọng anh thầm thì như muốn nói vào lòng đất: "Hạnh Nhi, anh đến thăm em đây. mối hận và nỗi nhục của hai mươi tám năm về trước anh đã thay em và Vũ Hồng trả hết rồi".

Một vòng khói lam theo tàn giấy tan dần vào trong không trung.

"Bây giờ ern có thể yên tâm mà nhắm mắt".

Chung Đào ngắm nhìn ngôi sao màu đỏ trên tấm bia.

Cho đến tận hôm nay anh cũng không dám nghĩ rằng buổi chiều của hai mươi tám năm về trước, một tội ác khủng khiếp đã xảy ra trong cánh rừng cao su, con quỷ đội lốt người trong bộ quân phục màu xanh đã làm vấy bẩn mối tình đầu, mối tình lớn nhất của anh, hủy hoại hạnh phúc của cả đời anh.

Ngày hôm đó Hạnh Nhi bị điều đi cạo mủ ở cánh rừng xa nhất đằng sau núi Lam Tước Lĩnh. Hồ Tử Hạo từ lâu đã thèm khát Chung Hạnh hắn đã tạo ra cơ hội để cưỡng bức cô. Với thủ đoạn bỉ ổi này hắn đã từng cướp mất đời con gái của bảy, tám thiếu nữ trong đại đội. Nhìn thấy con sói đói Hồ Tử Hạo, Chung Hạnh vội vã vứt bỏ thùng đựng mủ cao su bỏ chạy. Thú tính nổi lên, Hồ Tử Hạo đuổi theo cô, chỉ một vài bước chân hắn đã ôm được Chung Hạnh vật cô xuống đất, bàn tay bẩn thỉu bật tung cúc quần rồi lần vào quần lót của cô, Chung Hạnh liều mạng cố vẫy vùng miệng gào thét vang núi.

Đúng lúc ấy Hạ Vũ Hồng đang trên đường thu mủ cao su nghe thấy tiếng kêu thất thanh của Chung Hạnh liền chạy vội tới, chứng kiến cảnh tượng đó cô thét lên hù dọa Hồ Tử Hạo.

Hồ Tử Hạo mặt dày vò sỉ đuổi cô: "Không phải việc của mày, mau cút đi".

Hạnh Nhi thảm thiết cầu xin: "Chị Hồng ơi cứu em với".

Hạ Vũ Hồng can đảm dùng hết sức lực giằng Hồ Tử Hạo ra tạo cơ hội cho Hạnh Nhi chạy thoát.

"Ông không được hại nó, nó vẫn còn là một đứa trẻ". Hạ Vũ Hồng van xin Hồ Tử Hạo, mặt khác cô quay đầu về phía Chung Hạnh quát lên. "Hạnh Nhi, mau chạy đi!".

Chung Hạnh giống như một con hươu non hoảng sợ, cô run lẩy bẩy không nhấc nổi chân.

"Đừng lo cho chị, chạy đi! Nhanh lên!".

Chung Hạnh mặt trắng bệch, thất thần lao một mạch xuống núi

"Cũng được, cô em thay Chung Hạnh vậy nhé!". Hồ Tử Hạo chuyển từ bực bội sang mừng rỡ, đôi mắt nhỏ của gã lóe lên tia nhìn thèm khát.

Hạ Vũ Hồng nhận ra nguy hiểm đang sát kề bên mình, cô sợ hãi lùi về phía sau.

Hồ Tử Hạo nở nụ cười dâm đãng từ từ tiến lại gần thò một tay túm lấy Hạ Vũ Hồng, tay kia bịt miệng cô mồm còn thốt lên những câu hạ lưu: "Không ngờ cô em xinh tươi non tơ lại tự đưa đến tận cửa! Hôm nay ta có thể thưởng thức được cô em rồi... Ha ha".

Hạ Vũ Hồng dùng hết sức lực chống cự, Hồ Tử Hạo ghé sát cái mồm hôi hám hôn cô, đầu lưỡi của hắn xộc thẳng vào miệng cô. Cô nghiến mạnh răng cắn vào cái lưỡi, máu mồm hắn ứa ra. Cơn điên nổi lên, Hồ Tử Hạo rút khẩu súng lục đeo bên hông đập mạnh vào đầu Hạ Vũ Hồng, cô ngất lịm đi không còn biết gì nữa...

Hạnh Nhi chạy về đại đội, cô kể cho anh trai câu được câu mất trong tiếng nấc nghẹn ngào. Hắc Oa và Cường Tử vội vàng vớ lấy mấy cây gậy gỗ lao nhanh lên núi cứu Hạ Vũ Hồng. Nhung khi họ đến nơi mọi việc đã quá muộn, Hồ Tử Hạo biến mất không để lại dấu tích, Hạ Vũ Hồng nằm bất tỉnh dưới gốc cây cao su, phía thân dưới nhuộm đỏ máu, dưới đất chỉ còn vài giọt máu tím đen vương vãi.

Hắc Oa bật khóc, anh cõng Hạ Vũ Hồng về phòng y tế của đại đội, lúc này cô mới hồi tỉnh trở lại.

Hạ Vũ Hồng bị thương rất nặng, sau khi tỉnh lại cô khóc rấm rứt.

Không hiểu rõ mọi chuyện Hắc Oa còn gào lên trách móc cô: "Tại sao? Tại sao lúc đó em không chống lại? Tại sao hả?".

Hạ Vũ Hồng lặng người không nói khuôn mặt trắng bệch của cô hằn lên vết đau khổ và bị sỉ nhục.

"Vì sao em không nói? Em nói đi, nói đi". Hắc Oa lại thêm lần nữa xát muối vào vết thương trong lòng cô.

Hạ Vũ Hồng tuyệt vọng, cô vung cánh tay chẳng còn sức lực của mình tát thẳng vào mặt Hắc Oa. Khuôn mặt ướt đẫm nước mắt.

Lúc này Hắc Oa mới nhận ra không hiểu tại sao mình lại có thể nói ra những câu vô tình vô nghĩa đến vậy, anh hối hận vô cùng, nhung không thể lấy lại. Từ giờ khắc đó trở đi tình yêu của hai người vĩnh viễn bị ngăn cách bởi hàng rào vô hình. Sau này, dù cho Hắc Oa có cố gắng tìm cách nối lại tình cảm với cô, Hạ Vũ Hồng vẫn không thể tha thứ. Trái tim cô đã bị tổn thương sâu sắc. Cô hoàn toàn biến thành một con người héo hắt luôn sống khép mình. Hai năm sau cô được giới thiệu đi học ở một trường đại học ở Quảng Đông. Khi tốt nghiệp được giữ lại trường học tiếng Anh tiếp theo đó là đi Mỹ.

Bi kịch của cả đời người vẫn còn đeo đẳng cô mãi.

Hai ngày sau khi Hạ Vũ Hồng xảy ra chuyện Hồ Tử Hạo và Hồng Diệc Minh đi họp một ngày trên tiểu đoàn.

Tối hôm đó, Hắc Oa và Cường Tử ẩn mình mai phục trên quãng đường mòn mà bọn chúng sẽ phải đi qua, sau khi trở về từ tiểu đoàn. Họ căng mắt ra chờ đợi, đằng sau lưng là động Sư Tử sâu hun hút đen ngòm. Cả bầu trời bao phủ bởi màn đêm, không gian tĩnh lặng bị đánh thức bởi giọng nói đặc sệt vùng Hà Nam của tên phỉ mặt cười, phía sau hắn là bóng một người cao lớn, đó là chính trị viên Hồng Diệc Minh (thanh niên trí thức đại đội đặt cho Hồng Diệc Minh biệt hiệu Hồng hồ ly bởi ông ta là một con người nham hiểm bụng chứa đầy mưu kế thâm độc, song ngoài miệng luôn nói đạo đức).

Hắc Oa và Cường Tử huyết quản sôi lên sùng sục. Đợi tên phỉ mặt cười đi đến sát nút đường, hai người cùng nhảy ra, Hắc Oa đối mặt với tên giặc mặt cười, anh lấy gậy phang vào chân hắn. Hồ Tử Hạo lảo đảo nhưng vẫn kịp tóm trúng đầu gậy. Hắc Oa dù sao cũng chỉ là cậu bé mười bảy tuổi chiếc gậy bị văng bật đi xa vài mét. Trong cơn giận dữ anh liều mạng ôm chặt lấy tên giặc mặt cười bằng hai tay. Hắn định thò tay xuống rút kkẩu súng lục song không thoát ra được. Cường Tử dùng gậy bổ thẳng xuống đầu hắn. Tên phỉ mặt cười la lên oai oái. Trong bóng đêm đen kịt không biết vẻ mặt hắn như thế nào. Hắn cũng không nhận ra Hắc Oa và Cường Tử

Ba bóng người quấn chặt lấy nhau loạn đả giống như hai con sói non đọ sức vật lộn với con báo dữ. Hồng Diệc Minh - Hồng hồ ly chạy xung quanh không biết làm cách nào xuống tay để trợ giúp đại đội trưởng.

Tên phỉ mặt cười cuối cùng cũng thể hiện sức mạnh của mình, hắn gào lên một tiếng thoát khỏi tay Hắc Oa rồi rút khẩu súng đeo bên hông. Trong giờ phút ngàn cân treo sợi tóc, Cường Tử phản ứng cực kỳ mau lẹ rút con dao cạo mủ dắt dưới chân, con dao dài khoảng bảy, tám phân, thân dao rất hẹp, hai bên đỉnh uốn vòng như lưỡi rắn ở giữa rất sắc.

Tên phỉ mặt cười rút súng bật chốt bảo hiểm, Cường Tử bổ con dao cạo mủ hướng về phía mặt hắn. Tên giặc mặt cười theo bản năng né mặt tránh, hắn chỉ cảm thấy cổ mình bỏng rát, dùng tay sờ thứ thấy ươn ướt máu thì ra đã dính một dao của đối phương. Vết sẹo này vĩnh viễn lưu lại trên cổ hắn, thừa cơ hội đó Hắc Oa vung nắm đấm làm bay khẩu súng.

Trong giây phút ngắn ngủi, Hồng Diệc Minh ôm lấy vai Cường Tử.

"A! Là mày, Cường Tử". Ông ta kinh hãi kêu lên.

Cường Tử không thèm chú ý, anh liều mạng thoát ra khỏi bàn tay Hồng Diệc Minh.

"Mau ngăn thằng điên này lại! Mau lên!". Tên phỉ mặt cười gào khản giọng

Hồng Diệc Minh do dự một lát rồi từ sau lưng dùng hết sức bình sinh đẩy mạnh Cường Tử.

A a a...!!!

Trong đêm đen như mực Cường Tử lảo đảo, lỡ chân rớt xuống động sâu. Thanh âm thảm thiết từ lớn rồi nhỏ dần mất hút trong cái hố đen ngòm. Hắc Oa sững sờ, anh có cảm giác thanh âm đó chìm sâu vào địa ngục.

Tên phỉ mặt cười một tay đưa tay lên ôm lấy vết thương, tay kia dựa vào Hồng Diệc Minh lê bước tháo chạy bỏ lại đằng sau cánh rừng đen thẫm.

Tất cả xảy ra trong vòng tích tắc, rừng trở lại tĩnh mịch, sự tĩnh mịch đến đáng sợ.

"Cường Tử... Cường Tử...".

Ngày thứ hai sau đêm đó thì xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoảng ở khu nhà ở của thanh niên trí thức.

Sau vụ hoả hoạn, người ta phát hiện cả một ngày trời không nhìn thấy mặt Cường Tử, trong đống xác chết cháy cũng không tìm thấy thi thể của anh, liên tục suốt ba ngày ba đêm thanh niên trí thức đại đội đã bủa đi tìm kiếm Cường Tử ở khắp mọi nơi nhưng không thu được kết quả. Duy chỉ có động Sư Tử là mọi người không dám xuống bởi nó quá sâu không biết là độ sâu lên đến bao nhiêu, nghe một số người già địa phương nói nếu có người rớt xuống đó thì ngay cả xác cũng không thể lấy được.

Từ đó có tin đồn, nhiều khả năng Cường Tử đã bỏ trốn sang đất Myanmar.

Mọi người vẫn bán tín bán nghi về điều này.

Trong đại đội chỉ có ba người biết Cường Tử thật sự không còn sống trên thế gian, đó là Chung Đào, tên phỉ mặt cười và một người nữa là chính trị viên Hồng, tuy nhiên cả ba đều không để lộ bí mật này.

Một ngày sau sự việc đó, tên phỉ mặt cười cho gọi Hắc Oa đến văn phòng của hắn nằm ngang lưng đồi.

"Hắc Oa, mày có biết nguyên nhân Cường Tử mất tích không?". Hắn trừng trừng nhìn anh bằng đôi mắt chuột nham hiểm.

"Tôi không biết". Hắc Oa trả lời mặt không biến sắc.

Hồ Tử Hạo nhếch mép cười: "Bọn mày là anh em tốt của nhau cơ mà, nó rơi ở đâu mày cũng không biết thật hả?".

Hắc Oa biết rằng Hồ Tử Hạo đang cố thử xem buổi tối phục kích hôm đó anh có mặt ở đó hay không.

"Ông là đại đội trưởng của cậu ấy còn không biết thì tôi làm sao mà biết được". Anh lắc đầu chối đây đẩy.

Tên phỉ mặt cười không bắt thóp được Hắc Oa, hắn cười hì hì.

"Bất cứ kẻ nào muốn tính chuyện với Hồ Tử Hạo ta thì đã tính nhầm rồi đấy".

Thanh niên trí thức đều hiểu rõ tính cách của con người đại đội trưởng Hồ Tử Hạo: Ham thích quyền lực, luôn có cái cười đầy giả tạo. Dáng người hắn không cao, khuôn mặt to bè, cái mũi hổ, làn da đen thô kệch, giọng nói rin rít như có cát trong cổ họng. Chửi mắng người khác đối với hắn là chuyện cơm bữa, hơn nữa vừa chửi vừa hềnh hệch cười. Tiếng cười của hắn khiến người ta sợ hãi đến tận tâm can. Thích cười ngay cả những lúc làm việc bại hoại là đặc điểm nổi trội của tên quỷ đội lốt người này. Khi nhìn cái gì đôi mắt hắn híp lại, đôi mắt tròn mà nhỏ, nhưng cái khiến người ta nổi da gà, lạnh hết sóng lưng là gặp phải ánh mắt thèm thuồng như hổ đói của hắn. Toàn bộ số mệnh của thanh niên trí thức trong đại đội đều nằm trong tay đại đội trưỏng Hạo, hắn biến đại đội hai trở thành một vương quốc tách biệt, một bộ lạc nguyên thủy, một người có quyền sinh quyền sát tất cả những người còn lại, không có pháp luật, không có quỷ thần. Lúc đầu mọi người đặt cho hắn cái tên sau lưng "Trùm phỉ" sau là "Trùm phỉ mặt cười" và cuối cùng là "Tên phỉ mặt cười".

Những dục vọng của tên ác quỷ này tổng hợp lại ở mấy điểm: Hoang dâm vô độ, ham thích quyền lực, khi không chinh phục được thì giở trò cưỡng bức để đáp ứng nhu cầu đồi bại của mình.Tất cả nữ thanh niên mười sáu, mười bảy tuổi trong đại đội đều khó thoát khỏi việc bị hắn làm nhục, giày vò xâm phạm thân thể.

Hắc Oa rất rõ mọi người trong đại đội căm giận tên phỉ mặt cười đến tận xương tủy nhưng không làm gì được hắn.

Anh nghiến chặt hàm răng, mắt nhìn chăm chăm vào vết thương nơi quai hàm bên trái của tên phỉ mặt cười do con dao cạo mủ gây ra. Trái tim anh như đang rỉ máu "Cường Tử, cậu chết thật oan ức quá!".

"Không còn việc gì nữa, mày có thể đi được rồi". Tên phỉ mặt cười tắt ngấm nụ cười, đuổi anh đi.

Rời khỏi phòng làm việc của hắn Hắc Oa quay người bước đi, khuôn mặt đanh lại, một giọt nước mắt trào ra trên khóe mắt, anh cố kiềm chế nỗi uất hận và sự bi thương trào dâng trong lòng.

Ráng chiều bầm đỏ như máu từ từ xuống thấp bên sườn núi.

Hắc Oa cảm thấy toàn thân sục sôi huyết quản, một thanh âm đáng sợ vọng lên từ đáy lòng anh "Sẽ có một ngày ta tóm được ngươi, tên quỷ khốn kiếp...".

Hắc Oa thề sẽ giết chết tên phỉ mặt cười để báo thù cho Hạnh Nhi, Hạ Vũ Hồng và Cường Tử, trừ đi mối họa lớn cho mọi người, anh gằn từng bước mạnh như đạp vào đất rồi xuống núi. ° ° °

Chung Đào rót rượu xuống động Sư Tử, nước mắt anh trào ra

Anh khẽ thì thầm "Cường Tử, cuối cùng mình đã báo được thù cho cậu, cho Vũ Hồng và cho Hạnh Nhi rồi!".

Rượu tiếp nối rượu cho đến khi trong bình không còn một giọt, anh vung tay quăng mạnh chiếc bình lên tận không trung, nó rạch một vệt dài lên trời xanh rồi rớt xuống động sâu hun hút không để lại chút âm thanh nào. Sau đó anh rút máy di động gọi cho Đinh Lam

"Tiểu Lam à! Là anh Chung Đào đây, anh đang đứng trên động Sư Tử, làm lễ tế vong anh trai của em".

"A! Anh đấy ư?". Giọng nói của Đinh Lam nghẹn ngào.

"Em có muốn nói mấy câu với anh trai không?". Chung Đào như một người anh lớn ôn tồn hỏi cô, giọng nói có chút xúc động.

Không có tiếng đáp của Đinh Lam.

"A lô! Em có đang nghe anh nói không? Đinh Lam".

Trong điện thoại chỉ có tiếng thút thít.

"Được rồi, để anh nói thay em...".

Chung Đào đưa máy điện thoại ra khỏi tai giơ lên cao: "Anh... Tên phỉ mặt cười đã chết rồi! Nó chết một cách khốn khổ!".

Đinh Lam nấc nghẹn, dường như tiếng nấc vang vọng khắp cả bầu trời Vân Nam.

"Hồng hồ ly cũng chết rồi, bọn chúng đều phải đền mạng bởi những tội ác mà chúng đã gây ra... Anh, anh có nghe thấy em nói không?... Em và mẹ đang sống rất tốt, anh không phải lo lắng đâu. Hai mươi tám năm, giờ anh có thể yên tâm nhắm mắt được rồi...".

2.

Tiểu Xuyên và Đào Lợi đến ban quản lý đường bộ điều tra kỹ những cung đường của Tiểu Mai Sa, họ thu được một đầu mối quan trọng, từ trong nội thành Thâm Quyến đến Tiểu Mai Sa bằng xe bus có các tuyến số 103, 360, 364 và 368. Trong đó tuyến số 364 chạy qua Tiểu Mai Sa đến thị trấn Đại Bàng. Những chuyến xe bus này thông thường chạy đến khoảng mười giờ tối thì nghỉ. Vào mùa nghỉ mát, khách lên xe đông, thời gian chạy xe có thể kéo dài đến ba, bốn giờ sáng.

Tìm đến một tài xế chạy tuyến số 380, tuyến này xe bus có máy lạnh, tài xế là một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi đã có nhiều năm trong nghề, ông mang họ Tạ. Buổi tối ngày hai mươi tư tháng sáu là ngày ông làm việc, cho đến tận ba rưỡi sáng ngày hai mươi lăm ông mới nghỉ, đó là chuyến xe bus cuối cùng đến Tiểu Mai Sa, khi đánh tay lái qua một vòng cua dưới chân núi, người tài xế vô tình phát hiện một chiếc xe hơi màu trắng đỗ bên vệ đuờng, cửa đóng chặt, đèn tắt, không thấy người lái đâu. Do chỉ vô tình đi ngang qua nên người tàải xế cũng không lưu ý tới biển số xe, nhưng ông nhìn rõ chiếc xe đó là loại xe Fukang.

Nửa giờ sau khi đã trả khách tại bến xe Tiểu Mai Sa ông lái xe quay về qua quãng đường cũ thì không còn thấy chiếc xe ấy ở đó nữa.

Người tài xế xe bus đã chỉ cho cảnh sát vị trí chiếc xe đã đỗ sáng hôm đó. Từ vị trí này vượt qua hàng rào lưới sắt, phía dưới là trung tâm du lịch Tiểu Mai Sa, sát cạnh đó là một cây đa cổ thụ. Hàng rào lưới sắt có một lỗ thủng lớn vừa vặn thân người chui lọt. Do xung quanh cỏ dại mọc um tùm từ bên ngoài nhìn vào không thể nhận ra lỗ thủng. Thuận theo bậc đá phủ đầy lá rụng đi xuống mươi bước là đến con đường "lối nhỏ tình yêu". Tại hàng rào lưới sắt cảnh sát thu được vài sợi vải màu hồng, qua xét nghiệm hóa học trùng hợp với sợi vải chiếc quần bơi nhãn hiệu cá sấu mà Hồ Quốc Hào mặc lúc chết.

Bí ẩn những vết cào trên chiếc quần bơi của Hồ Quốc Hào cuối cùng đã được giải mã.

Rất có khả năng trong lúc di chuyển xác chết, do Hồ Quốc Hào quá nặng nên bị vướng vào lỗ thủng hàng rào lưới thép.

Tiểu Xuyên gọi điện cho Nhiếp Phong thông báo phát hiện này.

Nhiếp Phong nghe xong thì nói một câu "Thế thì đúng rồi!"

Anh nhắc Tiểu Xuyên nhớ lại chi tiết những con cò kêu vang chứng thực chuyện này là chuẩn xác, thời gian hơn ba giờ sáng cũng rất phù hợp.

Anh đề xuất: "Các cậu nên ngay lập tức kiểm tra chiếc xe Fukang của Đinh Lam, cũng cần trở lại Nam Áo một lần nữa, tìm kiếm dấu vết để lại của Chung Đào.

"Cục trưởng Ngũ đã giao cho bọn em làm rồi".

"Tốt quá, khi điều tra cần đặc biệt chú ý bên ngoài bức tường bao quanh trường tiểu học Nam Áo".

"Vì sao ạ?"

"Trước khi rời Thâm Quyến mình đã đến đó, gần nơi phát hiện ra chiếc túi xách của Hồ Quốc Hào, ngay bên ngoài tường một con đường cái, cậu thử dò hỏi người dân xung quanh biết đâu họ lại nhìn thấy chiếc xe Fukang đỗ gần đấy".

"Em hiểu rồi!".

° ° °

Tiểu Xuyên, Đào Lợi bí mật điều tra chiếc xe Fukang của Đinh Lam.

Lấy mẫu đất cát ở rãnh lốp và gầm xe qua xét nghiệm không có gì đặc biệt, sau đó kiểm tra bên trong xe thu được một lượng nhỏ bùn đất, đó là loại bùn đó rất hiếm gặp, qua phân tích nguyên tố vi lượng thì trùng khớp với thổ nhưỡng vùng Tây Xung nằm ở phía nam thị trấn Nam Áo. Điều ấy chứng minh chiếc xe Fukang đã từng đi qua vùng đất này, rất có thể Chung Đào đã đến đây để lấy nước biển ô nhiễm xích triều.

Tiểu Xuyên và Đào Lợi lái xe xuống Nam Áo, trước tiên hai người thẩm tra xung quanh trường tiểu học Nam Áo. Nơi phát hiện chiếc túi xách của Hồ Quốc Hào là một góc của sân thể thao cách tường bao chưa đến hai mét. Tường bao được xây bằng xi măng cát, cao một mét bảy mươi tám, phía trên để các ô thoáng. Bên ngoài bức tường là đường cái lớn, người qua lại không đông lắm, đối diện với con đường là một dãy nhà xây sát sườn dốc. Tiểu Xuyên và Đào Lợi đi từng nhà để dò hỏi, khi họ đến một gia đình nhà nằm trên sườn dốc cao nhất, nguời lớn đã đi làm hết, trong nhà chỉ còn một bé gái bị tật ở chân trái, cô bé kể lại khoảng hơn một tháng trước lúc trời nhá nhem tối cô bé đang ngồi trước hiên nhà thì thấy một chiếc xe con màu trắng ghé vào đỗ trên con đường cái, vị trí đúng với góc tường bên ngoài trường tiểu học, một người đàn ông từ trong xe bước xuống, điều lạ là ông ta lại trèo qua tường vào bên trong trường, dường như đang tìm kiếm cái gì đó, xe đỗ trong khoảng thời gian rất ngắn rồi đi mất. Do từ khoảng cách khá xa nên cô bé không nhìn thay biển số xe, nhưng qua lời mô tả hình dáng, người đàn ông đó rất giống với Chung Đào, ngày giờ cụ thể cô bé không thể nhớ rõ, chỉ biết ngày hôm trước mình vừa mới đi bệnh viện để điều trị. Đợi bố mẹ cô bé trở về hai vị cảnh sát cuối cùng cũng có câu trả lời chính xác ngày cô bé đi viện là ngày hai mươi chín tháng sáu.

Đó là ngày thứ tư sau khi Hồ Quốc Hào bị sát hại; hai ngày sau ngày cô bé đi viện người ta tìm thấy chiếc túi của Hồ Quốc Hào ở sân thể thao của trường tiểu học Nam Áo. Điều này hết sức trùng hợp.

Thừa thắng xông lên, Tiểu Xuyên và Đào Lợi lái xe xuống Tây Xung. Đây là một thị trấn làng chài nhỏ đón sóng đầu nam, bãi biển Tây Xung cũng được coi là một danh thắng nghỉ mát nổi tiếng không thua kém Đại, Tiểu Mai Sa, nước biển ở đây rất xanh và sâu, bãi cát, lều cỏ, hàng dừa... tất cả tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng và đẹp đẽ, nhưng khi được hỏi những người tắm biển ở đây đều lắc đầu, hai cảnh sát trẻ không hề phát hiện được dấu tích nào để lại của Chung Đào hay Đinh Lam.

Vậy chiếc xe Fukang của Đinh Lam đến đây để làm gì?

Đào Lợi vừa ngắm biển vừa phán đoán: "Có lẽ khi xe đến gần làng chài, người lái chiếc xe này đã cố ý cải trang để không ai nhận ra".

"Tóm lại phải có nguyên nhân chứ". Tiểu Xuyên lên tiếng.

"Nguyên nhân...". Đào Lợi suy nghĩ giây lát "Khả năng thứ nhất là do hiện tượng xích triều di chuyển lên hướng bắc vì vậy nước biển ở đây không thể dùng cho mục đích của họ. Khả năng thứ hai là đối tượng gây án cố tình làm thế để "dương đông kích tây" gây khó khăn cho công tác điều tra".

"Đúng lắm! Cậu tiến bộ nhanh thật!". Tiểu Xuyên thực lòng khen ngợi Đào Lợi.

Họ điều chỉnh lại suy luận của mình, đánh xe quay trở về con đường cũ, phía sau bụi đất cuộn bay lên mù mịt...

Kiểm tra cầu tàu ở vịnh Nam Áo. Đây là một cảng cá nhỏ, trong vịnh có tới hàng trăm chiếc thuyền máy đang hoạt động, thân thuyền được sơn màu xanh nhạt hoặc màu xanh đậm, nom có vẻ rất giống thuyền gỗ, sau khi hỏi những ngư dân trong cảng cho hay những chiếc thuyền đó đều làm bằng sợi nhựa cacbon, Tiểu Xuyên và Đào Lợi đứng ở ven bờ nhìn xuống dưới, nước biển rất bẩn, trên bề mặt nổi đầy rác thải, túi nilon, giấy vụn, vỏ hoa quả... màu nước đục ngầu. Xem ra Chung Đào không thể đến đây lấy nước, hơn nữa nếu lấy nước ở đây cũng sẽ gây sự chú ý của mọi người.

Tiểu Xuyên hỏi người phụ nữ, vợ của một ngư phủ mặc chiếc áo hoa, đầu đội nón rơm.

"U ơi, thuê thuyền ở đây giá bao nhiêu nhỉ?".

"Đi trong phạm vi gần thì hết một trăm tệ".

"Xa hơn một chút thì bao nhiêu ạ?"

"Khoảng một trăm năm mươi tệ"

"Chỗ đằng kia là gì vậy u?" Tiểu Xuyên chỉ tay về phía hòn đảo rất dài nằm đối diện.

"À, đó là đảo Bình Châu thuộc đất Hồng Kông, thuyền không được phép đến đấy".

Tiểu Xuyên ra dấu cho Đào Lợi, cô cầm tấm ảnh Chung Đào và Đinh Lam đưa cho người phụ nữ đó rồi hỏi.

"U cho con hỏi hơn một tháng trước có thấy hai người giống trong ảnh đến đây thuê thuyền không ạ?".

Người phụ nữ soi kỹ các bức ảnh lắc đầu: "Để tôi thử hỏi mấy người nữa xem sao".

Bà cầm hai bức ảnh đưa cho những ngư dân khác, nhưng tất cả đều trả lời không thấy hai người này.

Tiểu Xuyên và Đào Lợi lộ rõ vẻ thất vọng.

"Cô cậu thử đi hỏi mấy chú biên phòng xem sao".

Theo hướng bà chỉ là dãy nhà hai tầng sơn màu vàng gần đấy.

Sau khi nói lời cảm ơn, hai cảnh sát tiến về trạm biên phòng, một chiến sĩ trẻ mặc quân phục màu xanh, biển tên đeo trước ngực, khuôn mặt còn tròn hơn cả Tiểu Xuyên đón tiếp họ, kiểm tra giấy tờ của hai người xong cậu ta khách khí trả lời. Theo như cậu ta nói để thuê được thuyền, cần phải có các giấy tờ liên quan hoặc chỉ cần thông báo một câu cũng được. Nói như vậy bất cứ ai đến thuê thuyền trạm vũ trang biên phòng đều nắm được, ngoài cậu ta ra còn một người khác nữa đang trực ở đây.

Tiểu Xuyên và Đào Lợi hết sức vui mừng.

Cậu mặt tròn đi vào trong phòng gọi người đồng đội lớn tuổi hơn. Sau khi xem rất kỹ bức ảnh chụp Chung Đào và Đinh Lam họ đều trả lời không hề thấy hai người trong ảnh đến đây thuê thuyền.

Hai nhân viên cảnh sát trẻ nói mấy câu cảm ơn rồi quay về xe, cả hai đều cảm thấy mệt mỏi và uể oải. Chẳng ngờ chuyến đi Nam Áo lần này lại không thu được kết quả gì.

"Mình báo cáo cho đội trưởng chứ?". Đào Lợi hỏi Tiểu Xuyên.

"Đợi một chút...".

Tiếu Xuyên ngẫm nghĩ trong giây lát rồi quyết định gọi điện thoại di động cho Nhiếp Phong.

"Anh Nhiếp ạ! Em Tiểu Xuyên đây, em đang cùng Đào Lợi xuống Nam Áo điều tra".

"Ồ, vậy hả, các cậu có tiến triển gì không?".

"Có người nhìn thấy vào chạng vạng tối ngày hai mươi chín tháng sáu có một chiếc xe màu trắng đỗ bên ngoài tường rào trường tiểu học, hơn nữa người đàn ông lái chiếc xe đó còn trèo tường vào bên trong trường".

"Thật là tốt, xin chúc mừng". Nhiếp Phong vui lây.

"Thế nhưng...". Đào Lợi giành lấy máy di động nói với Nhiếp Phong "Bọn em vẫn chưa tìm ra địa điểm Chung Đào lấy nước biển".

"Các cậu đã kiểm tra ở những nơi nào rồi?".

"Bến cảng Nam Áo, còn cả đầu mũi nam Tây Xung nữa ạ".

"Thế đã qua thôn Thủy Đầu chưa?".

"Thôn Thủy Đầu...? Chưa ạ!". Đào Lợi có đôi chút ngạc nhiên.

Tiểu Xuyên lại giằng lấy điện thoại khỏi tay cô, đặt sát vào tai, cậu nghe rõ từng lời giải thích của Nhiếp Phong: "Đó là quê của Châu Chính Hưng, cách Nam Áo về hướng bắc khoảng năm, sáu kilômét, các cậu thử đến đó xem".

"Bọn em hiểu rồi".

Năm phút sau chiếc xe cảnh sát đã đỗ trước bãi tắm thôn Thủy Đầu. Thôn Thủy Đầu là một thị trấn nhỏ nằm sát bờ biển, cách bãi biển chỉ có gần cây số.

Bước ở trong xe ra, vừa đặt chân xuống đây Tiểu Xuyên đã có một dự cảm. Nơi này thật đặc biệt.

Đứng từ con đê ngăn biển nhìn xuống, nước ở đây có nhiều màu sắc khác nhau, sát với bờ là màu vàng (sóng đánh làm cho cát cuộn lên), xa hơn một chút là màu xanh lục, xa hơn nữa là màu lam thẫm, dưới ánh nắng ban ngày nó gần giống với màu đen. Sóng liền sóng vỗ vào bờ tạo thành những cột sóng lớn khiến người ta cảm thấy lay động tâm can.

Vài chiếc thuyền đạp nước, rẽ sóng lao ra khơi như những con thoi.

"Biển quê hương Châu Chính Hưng có chút gì đó thật dữ dằn". Đào Lợi bất giác cảm thán.

"Từ trước đến nay tớ cũng chưa từng nhìn thấy cảnh biển nào hùng vĩ như thế này".

Trên bãi biển có không ít du khách ngồi dưới tán ô che nắng nghỉ ngơi, cũng có một số người liều lĩnh xuống tắm biển.

Hai cảnh sát trẻ tìm đến người quản lý khu du lịch để hỏi về Chung Đào và Đinh Lam. Người đó cho gọi hai nhân viên cứu hộ, một người trong đó sau khi xem ảnh đã nhận ra Chung Đào và Đinh Lam.

"Hai người này đã từng đến đây tắm biển".

"Anh nhớ có chính xác không?". Hơi bị kích động, giọng nói của Tiểu Xuyên có vẻ thay đổi.

"Không thể nhầm được vì người đàn ông này bơi rất giỏi, còn chị phụ nữ dường như chỉ ngồi trên bãi cát mà không xuống nước".

"Anh có nhớ được chính xác ngày họ đến đây không?".

"Ngày cụ thể thì tôi không nhớ được, đã hơn một tháng rồi... thời gian là vào lúc ban trưa".

"Anh có thấy hai người này có biểu hiện gì đặc biệt không?". Đào Lợi hỏi.

"Không có gì đặc biệt cả...". Người cứu hộ hồi tưởng "A, tôi nghĩ ra rồi người đàn ông trước khi ra về trong tay còn xách một chiếc can nhựa".

"Can nhựa? Thế nó màu gì?".

"Màu trắng, trông cũng giống như những chiếc can nhựa bình thường khác".

Người cứu hộ không biết anh vừa giúp cho cảnh sát giải quyếr một vấn đề cực kỳ lớn.

Sau khi nghe báo cáo cụ thể của hai người, cục trưởng Ngũ và đội trưởng Thôi rất mừng rỡ.

Tất cả thành viên trong tổ chuyên án đều cảm nhận được thắng lợi đang đến rất gần.

Trong cuộc họp toàn tổ, cục trưởng Ngũ phát biểu: "Xem ra quá trình điều tra vụ án đang tiến đến những bước cuối cùng, bản thân tôi và các đồng chí đều rất vui mừng. Thế nhưng chúng ra không được quên, điều cốt lõi khi làm án là phải dựa vào chứng cớ, chỉ có chứng cớ vững chắc mới buộc đối tượng khai nhận".

Đội trưởng Thôi tiếp lời: "Tất cả những gì cục trưởng Ngũ vừa nói cho chúng ta thấy mặc dù biết rất rõ Chung Đào vứt chiếc túi xách ở sân trường tiểu học song anh ta hoàn toàn có thể phủ nhận, bé gái không nhìn thấy biển số xe, cũng không một ai bắt quả tang anh ta trèo tường. Người cứu hộ ở bãi cắm Thủy Đầu là nhân chứng rất quan trọng, cái mà chúng ta thiếu hiện nay là vật chứng".

Cục trưởng Ngũ thở dài: "Xét nghiệm những mảnh vụn vi tảo biển còn lưu lại trong chiếc can nhựa, dù đã gửi đến trung tâm kỹ thuật hình sự bộ công an nhưng cũng không thu được kết quả. Đối với chứng cứ này trong nước chưa có tiền lệ"

"Thưa đồng chí cục trưởng!". Trịnh Dũng đề xuất: "Tôi có một kiến nghị, ta nên nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia hình sự Lý Xương Ngọc, nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa".

Cục trưởng Ngũ ngợi khen: "Đó cũng là một phương án hay, việc hợp tác quốc tế có thể được cho phép...". Ông nói tiếp "Còn một điểm cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm rõ, động cơ gây án của Chung Đào là gì?".

Tiểu Xuyên tranh thủ nói ra nhận định của Nhiếp Phong: "Về việc này nhà báo Nhiếp đã có kết quả điều tra, đây là vụ án giết người hàng loạt để báo thù...".

"Cái tay 'Tây Bộ Thái Dương' đó khẳng định?". Đội trưởng Thôi tỏ ý nghi ngờ "Phá án không thể chỉ dựa vào suy luận mà phải có bằng chứng".

Cục trưởng Ngũ hỏi Tiểu Xuyên: "Nhà báo Nhiếp bây giờ đang ở đâu".

"Anh ấy đang ở Vân Nam ạ".

° ° °

Khi Nhiếp Phong quay về Côn Minh, tranh thủ thời gian đợi mua vé tàu, anh trở lại Trung tâm lưu trữ hồ sơ để tìm kiếm tài liệu có liên quan đến thời kỳ thanh niên trí thức.

Tiếp đón anh vẫn là cô nhân viên tóc cắt ngắn, đeo kính trắng. Hoàn tất thủ tục kiểm tra giấy giới thiệu và thẻ nhà báo của anh, cô đưa cho anh một tờ giấy rồi bảo khai vào đó.

Trên tờ giấy có ghi: Họ tên, trình độ văn hóa, chức vụ, phương thức liên lạc, nội dung tra cứu... Tất cả thông tin đều phải điền đầy đủ.

Đợi Nhiếp Phong hoàn thành bản kê khai cô đeo kính nói gì đó với đồng nghiệp mặc áo hoa ngồi bên cạnh, giọng nói mang âm sắc vùng Vân Nam, Nhiếp Phong nghe không hiểu. Cô áo hoa đưa cho Nhiếp Phong một quyển sổ, trên đó có in dòng chữ màu đỏ "Hồ sơ điều tra lưu trữ Vân Nam", trong quyển sổ phân ra làm các mục: số quyển, niên đại, tiêu đề bản lưu,... Nhờ sự hướng dẫn của cô áo hoa, rà soát trong phần tổng mục lục anh tìm thấy dòng chữ có nội dung "Mục lục hồ sơ phòng công tác thanh niên trí thức về miền núi, nông thôn, hội đồng ủy viên cách mạng tỉnh Vân Nam".

Mở phần đó ra, dòng chữ đầu tiên viết bằng bút sắt "Hướng dẫn khái quát toàn bộ tư liệu" bao gồm các mục nhỏ: nội dung, thời gian bàn giao, người từng lưu trữ, người nhận... Lật sang trang bên là dòng chữ "Hướng dẫn tra cứu mục lục". Quyển đầu tiên đánh số một viết bằng bút sắt mực xanh.

Nhiếp Phong giỏ từng trang tìm kiếm, đến trang thứ tư anh dừng lại nhìn vào phần tiêu đề "Báo cáo của ủy ban cách mạng tỉnh, công an tỉnh về việc tiếp nhận đơn thư phản ảnh của thanh niên trí thức Tứ Xuyên".

Phía dưới có các nội dung sau:

"Tài liệu phản ảnh tình hình thanh niên trí thức binh đoàn bị bức hại, hãm hiếp và phản ánh tình hình của Thượng Hải, Bắc Kinh, Tứ Xuyên và các cơ quan hữu quan trong tỉnh"

"Tài liệu báo cáo và xét xử của Trung ương, tỉnh, tổ công tác quân khu Côn Minh về việc điều tra, xử lý cán bộ trung đoàn..., binh đoàn... đàn áp bức hại thanh niên trí thức do thủ tướng Chu Ân Lai và các đồng chí lãnh đạo trung ương phê chuẩn".

"Báo cáo của ủy ban cách mạng tỉnh, tổ công tác quân khu, tòa án về việc điều tra phán ảnh tình hình vụ việc cán bộ binh đoàn 1- 3 bức hại thanh niên trí thức, tài liệu điều tra xét xử Giả Tiếu Sơn, Trương Quốc Lượng...".

Suốt bốn giờ đồng hồ Nhiếp Phong ngồi đọc hết tập hồ sơ phủ đầy bụi, trong đó anh vô tình tìm được một bản ghi chép khiến người đọc kinh hãi, đó là vụ án "Sự kiện Hà Khẩu" do đích thân thủ tướng chỉ đạo điều tra mà ông Phó từng kể cho anh nghe.

Khi đoàn thăm hỏi động viên thanh niên trí thức Tứ Xuyên đến thăm trung đoàn mười tám, binh đoàn xây dựng Vân Nam, các nhà báo của tỉnh đi cùng đã thu thập đơn thư phản ảnh những vụ việc như bức hại thanh niên tri thức, hãm hiếp nữ thanh niên trí thức...

° ° °

Hai phóng viên của Tân Hoa Xã thường trú tại phân xã Vân Nam với lương tri và trách nhiệm trước nhân dân của người làm báo đã điều tra kỹ càng hơn một trăm nạn nhân là thanh niên trí thức và người địa phương, ở những nơi này thanh niên trí thức bị coi là thành phần cần "cải tạo lao động".

Một bộ phận cán bộ binh đoàn đã lợi dụng chức vụ đánh đập, cưỡng hiếp và làm nhục thanh niên trí thức. Sự thật phơi bày gây phẫn nộ mạnh mẽ trong công luận. Mọi người đều kính phục tinh thần vì nhân dân của hai nhà báo dũng cảm.

3.

Ngày 4 tháng 7 năm 1973 trong mục "Nội san", tạp chí "Tình hình trong nước" (số 241) của Tân Hoa Xã được đặt trên bàn làm việc của các đồng chí lãnh đạo trung ương, đã cho đăng bài báo "Thực trạng thanh niên trí thức bị đàn áp, bức hại ở trung đoàn mười tám, sư đoàn bốn, binh đoàn xây dựng Vân Nam".

... Trung đoàn mười tám có ba mươi mốt đơn vị thì có tới hai mươi ba đơn vị để xảy ra hiện tượng đánh đập, bắt trói thanh niên trí thức với nhiều mức độ khác nhau, bao gồm trên hai mươi lăm kiểu tra tấn dã man như: Treo ngang bụng lợn, khỉ mò trăng, quỳ chẻ củi, quỳ trên gạch đập vụn, trâu vặn cọc, treo lên cao rồi đập vào tường(còn gọi là gõ chuông), phạt thiêu dưới nắng gắt, mùa đông bắt ngâm trong nước lạnh... (sơ lược)

Những tài liệu khiến các Đồng chí lãnh đạo trung ương hết sức quan tâm và tức giận, ngay lập tức ra chỉ thị:

Thủ tướng Chu Ân Lai phê chuẩn

Đồng chí Tiên Niệm, Đăng Khuê, Quốc Phong, Hồng Văn, Đông Hưng

Các hành vi này không thể không xử lý

Đồng chí Đăng Khuê gọi điện yêu cầu Đồng chí Châu Hưng bảo vệ an toàn cho hai nhà báo phân xã Vân Nam

Chu Ân Lai

Ngày 6 tháng 7 năm 1973

Đồng chí Diệp Kiếm Anh phê chuẩn

Sự việc rất nghiêm trọng, yêu cầu điện thoại xuống quân khu Côn Minh cho người điều tra báo cáo...

Diệp Kiếm Anh

Ngày 5 tháng 7 năm 1973

Phó thủ tướng Lý phê chuẩn

Gửi cho Đồng chí Quốc Phong đọc. Những kẻ trong bài báo này không phải là đảng viên đảng cộng sản mà là bọn Quốc Dân Đảng, ít nhất cũng là hành vi của bọn Quốc Dân Đảng. Vì sao không được uốn nắn kịp thời? Ủy ban cách mạng tỉnh, quân khu lẽ nào nói không biết?

Tiên Niệm

Ngày 6 tháng 7 năm 1973

Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị thành lập tổ điều tra liên ngành bao gồm người của các cơ quan hữu quan trung ương, ủy ban cách mạng tỉnh Vân Nam và bộ chính trị quân khu điều tra cụ thể những vấn đề trong mục "Nội san'' của tạp chí đã nêu. Căn cứ vào kết quả điều tra thông báo rộng rãi.

"Báo cáo điều tra của tổ điều tra liên ngành về việc trung đoàn mười tám, binh đoàn xây dựng Vân Nam đàn áp bức hại thanh niên tri thức".

"Trích"

... Danh sách 48 cán bộ vi phạm nêu ở trên, đã có 110 thanh niên trí thức bị tra tấn đánh đập bằng nhiều hình thức khác nhau, một số bị tra tấn đến chết, một số mang thương tích trầm trọng, một số hoảng loạn tinh thần không ổn định, một số tự sát (không chết)...

Đội trưởng đội y tế trung đoàn mười tám, Tôn..., 45 tuổi người huyện Hà Gian, Hà Bắc. Nhập ngũ năm 1945, tháng 3 năm 1970 được điều về trung đoàn mười tám đảm nhiệm thức vụ đội trưởng đội y tế, cấp tiểu đoàn phó, hãm hiếp 11 nữ thanh niên trí thức, khiến 3 người có thai, chiếm trên một nửa quân số nữ thanh niên trí thức của đội y tế...

Lý..., 30 tuổi, người huyện Thạch Thiên, Quý Châu, chính trị viên đại đội 20, cấp bí thư đại đội, hãm hiếp, quấy rối, dâm loạn 15 nữ thanh niên trí thức, khiến hai người nhảy xuống sông tự tử được cứu sống...

Trên thực tế vết nhơ nhuốc của trung đoàn mười tám huyện Hà Khẩu mới chỉ là một phần của sự thật. Tổ điều tra liên ngành phát hiện những vụ việc cưỡng hiếp, bức hại thanh niên trí thức tương tự như vậy tồn tại khá phổ biến ở binh đoàn này. Rất nhiều cán bộ phạm tội đã từng là những anh hùng trong chiến đấu, lập nhiều chiến công trong quân đội, được tặng thưởng huân huy chương, nhưng sau khi về binh đoàn xây dựng Vân Nam họ đã biến đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn nằm phân tán trong các khu vực rừng núi hẻo lánh thành những "vương quốc độc lập" mà mình là tên độc tài cai trị. Do thiếu sự giám sát của luật pháp lại có quyền lực tuyệt đối trong tay, họ đã dần biến chất để cho dục vọng thấp hèn lấn át lý trí, trở thành những tên "chúa đất" hung bạo cát cứ một phương.

Trong bước ngoặt thời đại và điều kiện đặc thù, dưới khẩu hiệu sai lầm "tiếp thu giáo dục lại". Các nữ thanh niên trí thức không được gia đình, pháp luật bảo vệ. Họ như những con "dê non" đứng trước miệng hổ đói, làm sao có thể thoát khỏi nanh vuốt của những "con thú săn mồi" đầy rẫy dục vọng và quyền lực tuyệt đối trong tay.

"Phản ánh tình hình" xử lý những vụ án có liên quan đến thanh niên trí thức Vân Nam

"Kỳ thứ 14"

... Xử lý các vụ án có liên quan đến việc bức hại thanh niên trí thức về nông thôn, miền núi tại binh đoàn xây dựng Vân Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ kể từ năm 1969 đến nay tại binh đoàn xây dựng sản xuất Vân Nam đã xảy ra 411 vụ án bức hại thanh niên trí thức. Trong đó có 207 vụ cưỡng hiếp, 98 vụ bắt trói người trái pháp luật, 2 vụ giết người, 3 vụ cưỡng hôn, 5 vụ trả thù, 1 vụ trốn ra nước ngoài, 3 vụ chết không rõ nguyên nhân, 83 vụ dâm loạn, 9 vụ cưỡng hiếp không thành. Số tội phạm là quân nhân 116 tên (cán bộ cấp sư đoàn: 4 tên, cấp trung đoàn: 9 tên, cấp tiểu đoàn: 31 tên, cấp đại đội: 105 tên, cán bộ tham mưu: 10 tên, các cấp khác: 7 tên), số tội phạm là cán bộ dân sự: 245 tên.

Đã xử lý 179 vụ, chiếm 43.6%.

4 vụ xử tử hình, 2 vụ xử tử chờ ngày thì hành án, 3 vụ phạt tù chung thân, 4 vụ phạt tù trên 10 năm, 13 vụ xử tù dưới 9 năm, 138 vụ xử lý hành chính, 13 vụ kỷ luật ở các cấp độ khác nhau...

Chưa xử lý 232 vụ, chiếm 56.4%...

Số lượng cán bộ quân đội trong binh đoàn phạm tội chỉ là thiểu số, đại đa số còn lại đều là những người triệt để chấp hành kỷ luật, thực hiện nghiêm pháp luật, trung thành với đảng, ưu tú gương mẫu trong lao động sản xuất. Tuy nhiên thiểu số những kẻ phạm tội giống như vết ung nhọt nằm trong cơ thể binh đoàn nếu không được cắt bỏ sẽ gây ra mối hại lớn, khiến quần chúng nhân dân mất lòng tin, tạo ra dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín của đảng.

Ngọn cờ chính nghĩa cuối cùng cũng được giương lên.

Ngày 28 tháng 11 năm 1973 tại sân vận động Cảnh Hồng đã diễn ra "Đại hội xét xử đã kích những tội phạm bức hại thanh niên trí thức về nông thôn, miền núi". Đại hội đã quyết định tuyên án xử tử hình 3 tên: Giả...., Trương...., Trang.,, lập tức thi hành án, xử tử hình chờ ngày thi hành án 2 tên: Đỗ...., Lan...

Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập, Giả...., 43 tuổi. Từ tháng 7 năm 1970 đến tháng 1 năm 1973 lợi dụng chức vụ quyền hạn hãm hiếp hơn 20 nữ thanh niên trí thức, lập mưu giết người diệt khẩu khiến dư luận căm phẫn... Đại đội trưởng đại đội hai tiểu đoàn sáu, trung đoàn hai, sư đoàn một, Trương..., 38 tuổi, lưu manh hung hãn, từ tháng 3 năm 1970 đến tháng 4 năm 1971 đã hãm hiếp 4 nữ thanh niên trí thức, quấy rối làm nhục 17 nữ thanh niên trí thức, nghiêm trọng hơn nữa ngay cả nữ thanh niên đang ốm hắn cũng cưỡng hiếp khiến người đó khủng hoảng tinh thần phát điên. Công nhân trồng cao su thuộc trung đoàn một sư đoàn một từng giữ chức đội phó đội bảo vệ từ tháng 8 năm 1968 đến tháng 8 năm 1973 đã hãm hiếp nhiều nữ thanh niên trí thức và trẻ em gái, hành động bỉ ổi của hắn khiến quần chúng căm phẫn. Ba tên tội phạm trên cần phải bị loại khỏi đời sống xã hội mới có thể làm giảm phần nào sự tức giận của nhân dân.

Buổi xét xử hôm ấy có tới 23.000 người tham gia, các đơn vị trong trung đoàn từ cấp tiểu đoàn trở lên đều cử đại biểu đến dự. Khoảng 143.000 người nghe tường thuật trực tiếp phán quyết trên sóng radio, thanh niên trí thức đều rất phấn khởi vui mừng.

Lần tuyên án công khai và hình phạt nghiêm minh dành cho các đối tượng vi phạm khiến toàn bộ hệ thống binh đoàn và địa phương nơi đóng quân chấn động mạnh mẽ.

Trong bản "Báo cáo tình hình" của tổ công tác liên ngành đã nêu rõ việc xử lý công khai bảy tên tội phạm.

Khi đại hội kết thúc, phản ứng của thanh niên trí thức là rất mãnh liệt, đại đội trưởng đại đội tám, trung đoàn một, sư đoàn một, binh đoàn xây dựng Vân Nam nói "Đại hội lần này đã trừng trị đích đáng những kẻ có tội, phản ánh được yêu cầu của chúng tôi; nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của chúng tôi. Thanh niên trí thức vô cùng cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ đã lấy lại công bằng...". Dựa vào đó sau đại hội một số thanh niên trí thức bị hại đã mạnh dạn đứng lên tố cáo hành vi tội ác cưỡng hiếp, bức hại họ trước các cấp lãnh đạo.

Phó tiểu đoàn trưởng, trung đoàn một, sư đoàn một, Trương nói: "Truớc đây tôi đã phạm phải sai lầm quan hệ nam nữ bất chính, cho rằng đó là vấn đề nhỏ, là chuyện tình cảm riêng tư. Đại hội lần này đã tác động mạnh mẽ, giáo dục sâu sắc đến bản thân tôi, tôi nhận thức được rằng 'vấn đề nhỏ' mà mình mắc phải vô cùng nguy hại...".

Phạm tội cưỡng hiếp nữ thanh niên trí thức hiện bị đình chỉ mọi chức vụ chờ xử lý, tên Lý nói: "Hiện nay muốn thành khẩn khai báo, mong được khoan dung giảm tội, được thoát thai đổi cốt để lại làm người...".

Ngoài ra sau đại hội lần này đã phát hiện một số tội phạm cá biệt, tư tưởng hoảng loạn nảy sinh ý định trốn tội, huyện Cảnh Hồng có năm tên bỏ trốn, một tên đào tẩu đến Lan Thương thì bị bắt lại, huyện Lam Giang có một đại đội trưởng vượt biên sang Myanmar không để lại dấu tích.

Tên đại đội trưởng đề cập ở đây rất có thể là Hồ Tử Hạo.

Nhiếp Phong gập cuốn sổ lại trầm tư suy nghĩ.

Những kẻ như Giả..., Trương... mãi mãi bị người đời phỉ nhổ, một vết nhơ trong lịch sử. Hồ Tử Hạo may mắn không bị tòa án quân sự xét xử nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi trừng phạt của "ông trời".

Bọn họ đều đã từng là những cán bộ chỉ huy anh dũng của quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Trên người khoác bộ quân phục màu xanh, đầu đội mũ vải gắn sao đỏ, trong chiến đấu luôn xung phong nơi tuyến đầu, lập được nhiều chiến công hiển hách. Nhưng khi về các đơn vị thanh niên trí thức vùng biên giới Vân Nam họ lại sa ngã để cho dục vọng tầm thường lấn át lý trí, tự biến mình thành những tên "chúa đất", những "tên phỉ mặt cười", kết cục cuối cùng là trở thành tội phạm lịch sử bẩn thỉu.

Chuyện đó vì sao lại xảy ra? Lẽ nào chỉ là vấn đề suy đồi đạo đức và tác phong sinh hoạt cá nhân?

Hồ Tử Hạo hoàn toàn không phải là một tên lưu manh đơn thuần, hắn có tham vọng, có tố chất của một người chỉ huy, trong màu áo xanh trên chiến trường không phải là không trải qua những tháng ngày huy hoàng. Sinh ra trong một gia đình nhiều đời bần nông, bố mẹ mất sớm, mười bảy tuổi vào quân đội, mười chín tuổi được kết nạp đảng, trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu, lập nhiều công trạng. Khi gặp "điều kiện thuận lợi" ở đại đội hai đóng quân trên địa bàn Lam Tước Lĩnh, bản tính hung ác và dục vọng thấp hèn của hắn có cơ hội lộ rõ, cũng có thể do bối cảnh lịch sử và hoàn cảnh đặc thù trong thời kỳ đó đã tạo cơ hội cho hắn, làm cho phần con hung ác trong con người hắn bộc lộ hoàn toàn. Xét trên phương diện này, đó cũng là bị kịch của một đời người. Căn nguyên bị kịch ấy chính là sự chuyển ngoặt của thời đại.

Vậy ai thật sự là mới là kẻ tội đồ lớn nhất?

Chắc có lẽ chỉ có quỷ Sa tăng.

Nhiếp Phong chợt nhớ đến một người, đó là Hạ Vũ Hồng, nguời thiếu nữ vì cứu Hạnh Nhi mà rơi vào bàn tay hung bạo của Hồ Tử Hạo.

Không biết giờ này chị ấy đang ở đâu?

Rốt cuộc có bao nhiêu nữ thanh niên trí thức chịu nỗi nhục ô uế trong thời kỳ đó, thật khó có thể thống kê cho đầy đủ. Trên thực tế nhiều nữ thanh niên bị làm hại vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không dám nói ra sự thật, chỉ tự mình ôm hận trong lòng. Theo luân lý đạo đức truyền thống Trung Quốc, người con gái mất đi trinh tiết cho dù là lý do gì đi chăng nữa cũng gặp phải sự kỳ thị, soi xét của cộng đồng, điều ấy đã tạo lên áp lực rất lớn cho họ.

Hạ Vũ Hồng có lẽ cả cuộc đời sống trong đau khổ - không người thân thích, hoặc có lẽ cơn ác mộng đeo đẳng mãi mãi - ngọn lửa màu xanh ma quái lúc nào cũng hiển hiện trước mắt, hay đang có cuộc sống lặng lẽ ở một nơi nào đó không ai hay, chẳng ai biết?

4

Chung Đào quyết định gửi email cho Hạ Vũ Hồng

Hồng Hồng!

Anh vừa từ Vân Nam trở về, trên đường đi có ghé qua quê nhà Thành Đô, tiện thể vào thăm cô chủ nhiệm Euclid, cô đã cho anh địa chỉ hòm thư điện tử của em, nghe cô nói khi em về Thành Đô có hỏi thăm anh và những sự việc năm đó. Cảm ơn em vẫn còn nhớ đến Hắc Oa này - một kẻ khốn nạn không xứng đáng là bạn của em...

Mọi việc đã qua không thể quay đầu lại. Vụ hỏa hoạn khủng khiếp và cơn ác mộng trong rừng cao su của hai mươi tám năm về trước đã hủy diệt tình yêu của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta. Người xưa có câu "ác giả ác báo ", tên phỉ mặt cười - con quỷ dâm dục cuối cùng cũng đã bị báo ứng!

Em còn nhớ chính trị viên, kẻ thích đồ ngọt mà chúng ta gọi là Hồng hồ ly không? Chính là kẻ "nối giáo cho giặc " thường giúp đỡ tên ác quỷ làm hại nữ thanh niên, anh đã tặng hắn hai viên kẹo chocolate nhân rượu giúp cho hắn đi gặp bạn của mình.

...

Nói đến đây cũng đã khá nhiều rồi.

Hy vọng có cơ hội được gặp em, anh có thể tự mình nói với em tất cả.

Hắc Oa

Trong hai mươi tám năm qua không lúc nào Chung Đào từ bỏ ý định truy tìm tông tích tên phỉ mặt cười.

Lại nói về Hồ Tử Hạo sau khi trốn sang Myanmar, không để lại bất cứ dấu tích gì. Sau này có người bắt gặp hắn ở vùng biên giới Trung Quốc - Myanmar, có vẻ hắn sống khá phong lưu.

Hai mươi tám năm sau Hồ Tử Hạo thay đổi biến thành một nhà kinh doanh tầm cỡ, tên cũng đuợc đổi thành Hồ Quốc Hào, không ai biết rõ lai lịch của hắn, nghe nói thời ở Myanmar hắn đi buôn thuốc bắc, sau này lại buôn lậu heroin kiếm được bộn tiền. Ước chừng thời gian đủ lâu để mọi nguời không còn quan tâm đến mình, Hồ Tử Hạo bí mật trở về Trung Quốc, lưu lạc ở vùng Bắc Hải, Hải Nam kiếm sống chủ yếu bằng nghề bất động sản. Hồng Diệc Minh cũng chuyển ngành đến Hải Nam cùng làm ăn với Hồ Tử Hạo, bọn họ có thừa mạo hiểm, có thừa khả năng cạnh tranh cùng nhau ngồi trên "một chuyến xe", chẳng bao lâu đã trở thành những người giàu có. Sau này khi thị trường nhà đất ở Hải Nam gặp khủng hoảng, hai tên chuyển về Thâm Quyến kinh doanh, việc làm ăn ngày một phát triển, tiền cũng kiếm được nhiều hơn, Hồng Diệc Minh tách ra tự mình mở công ty riêng. Vài năm sau, khi đó Hồ Quốc Hào đã trở thành doanh nhân thành đạt, ông chủ của một tập đoàn hùng mạnh.

Trong một lần, một người bạn Chung Đào tình cờ cho anh biết có gặp mặt Hồ Tử Hạo, giờ đây đã là ông chủ công ty kinh doanh bất động sản nhưng không còn mang cái tên Hồ Tử Hạo mà đã đổi thành Hồ Quốc Hào, tên của công ty do hắn lập ra là "Công ty TNHH địa ốc Quốc Hào Hải Nam".

Chung Đào truy đuổi đến Hải Khẩu nhưng không tìm thấy Hồ Tử Hạo, đúng lúc này thị trường nhà đất Hải Nam vỡ bong bóng, theo thống kê của cơ quan hữu quan đã có khoảng vài chục tỷ nhân dân tệ bị rút khỏi Hải Nam, nhiều công ty bất động sản phá sản. Theo nhiều cách thức khác nhau Chung Đào có được thông tin công ty Quốc Hào Hải Nam đã đóng cửa, Hồ Tử Hạo không biết đi đâu. Nhưng có người nói hắn có thể đến Thâm Quyến đầu tư, Chung Đào bí mật nhờ một người bạn đang làm ăn ở đây giúp đỡ, anh giống như một con chó săn truy tìm dấu vết Hồ Tử Hạo.

Thâm Quyến là một thành phố đang cựa mình thức giấc, nơi đó đem đến cho người ta không ít cơ hội, những người có năng lực và các công ty nhiều tham vọng đều có thể dễ dàng phát triển.

Chung Đào vô tình phát hiện Hồ Tử Hạo trong một lần hắn trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Nơi diễn ra phỏng vấn dường như là văn phòng công ty, nội thất hết sức sang trọng, ống kính máy quay lướt qua chiếc bàn làm việc nơi đặt con cá sấu châu Phi bằng gỗ đang ngoác miệng nom sống động y như thật. Chung Đào nhận ra khuôn mặt của người đang trả lời phỏng vấn rất giống Hồ Tử Hạo, một khuôn mặt to bè, cái mũi hổ, nước da đen thô kệch, còn có cả đôi rnắt chuột nhỏ tí xíu, tuy nhiên so với năm đó hắn béo lên nhiều, nhưng cho dù có thay đổi cỡ nào thì khuôn mặt nhàu nhĩ mà không ít chị em thanh niên trí thức gọi là "mặt cười" của hắn Chung Đào không bao giờ có thể quên được. Chỉ duy nhất một điểm khiến anh phân vân là không nhìn thấy vết sẹo trên cổ hắn.

Khi cô phóng viên xinh đẹp hỏi Hồ Quốc Hào có cái nhìn như thế nào về "Ngôi nhà sinh thái", ống kính máy quay chĩa thẳng vào mặt Hồ Quốc Hào.

Chung Đào nhìn chằm chặp vào khuôn mặt đó không rời, nó hiện lên rõ nét trên màn hình ti vi.

"Ha ha... 'Ngôi nhà sinh thái' là xu thế phát triển của bất động sản, cũng là mục tiêu mà Địa Hào chúng tôi đang theo đuổi".

Hồ Quốc Hào trả lời đầy tự tin, ống kính chiếu thẳng làm khuôn mặt hắn lồ lộ hiện lên, nhưng phía cổ bên trái không nhìn được rõ lắm. Sau đó góc máy quay thay đổi, phần bên trái khuôn mặt lộ ra, sát với cổ có một vết sẹo màu hồng nhạt mờ mờ dài khoảng bốn, năm centimét, có lẽ gần ba mươi năm trôi đi mọi thứ đều thay đổi, song cũng có thể vết sẹo đó đã được thẩm mỹ để không còn ai nhận ra nó đã từng tồn tại.

Chung Đào cảm thấy toàn thân chấn động mạnh "Là nó, chính là nó", anh vội vã bấm số điện thoại: "Tiểu Lam, anh Chung Đào đây, em mau bật ti vi lên đi, chuyển sang kênh Kinh tế... Đúng, em có nhìn rõ không? Đó là ai?".

"A...! Có chút giống Hồ Tử Hạo".

"Chính là nó đấy, tên phỉ mặt cười".

Từ giờ khắc đó trở đi Chung Đào luôn dõi theo tin tức về tập đoàn Địa Hào, tình cờ một ngày anh nhìn thấy trên báo đăng quảng cáo tuyển dụng chức danh trợ lý chủ tịch HĐQT tập đoàn Địa Hào, quả đúng là một cơ hội trời cho.

Anh gọi điện đến văn phòng tập đoàn liên lạc trực tiếp với Hồ Quốc Hào, tự giới thiệu mình là chuyên gia chứng khoán rất mong ứng cử vào chức danh trợ lý chủ tịch HĐQT.

"Đã có rất nhiều nhân vật ưu tú đến đây dự tuyển rồi". Hồ Quốc Hào hờ hững tỏ vẻ không mấy quan tâm.

"Có lẽ tôi còn ưu tú hơn họ". Chung Đào cười đáp.

"A, thực sự như thế hả?". Câu nói đầy tự tin của anh làm cho Hồ Quốc Hào cảm thấy hứng thú "Vậy sáng mai anh hãy đến Địa Hào".

Mười giờ sáng ngày hôm sau Chung Đào bước vào tòa nhà Địa Hào,

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện