Đông A Nông Sự

Chương 39: Hiệp Thứ Hai 2





Bùng nổ! hơn vạn người như nổ tung.

Dân chúng kinh thành chưa bao giờ chứng kiến cái gì kích thích thế.

Trên khán đài, Thánh Tông cười ha hả, Trần Quang Khải đứng vọt dậy.

Còn Trần Quốc Tuấn ánh mắt cũng thâm thuý nhìn cục diện.

Thái Đường thì kéo tay phụ hoàng, mặt đỏ bừng bừng, phấn khích hô “Ma Lĩnh ghi bàn rồi, Nhị ca thắng cược rồi”.

Bách cũng không giữ nổi bình tĩnh: “Phải vậy chứ! Bàn thắng này tạo ra không khí không khác gì Công Vinh ghi bàn vào lưới Xiêm La cả.

Làm bản công tử lúc ấy mới mười tám đôi mươi đã bị các em gái xung quanh xâm phạm thân thể nghiêm trọng.

Quá uất cmn ức!”
Dưới sân, Đặng Ma La cũng cho trận đấu kết thúc.

Tuyển thủ Chiêu Minh xã đang cồng kênh Ma Lĩnh, còn An Sinh xã đã đổ gục xuống, vẻ thất vọng không sao tả hết.

Trong đám dân chúng cũng có kẻ thắng người thua, nhưng khả năng số người thất vọng cao hơn.

Một người chửi rủa:
- Chó chết! sớm biết Chiêu Minh xã đá hay thế nào thì sao mà chấp 3 bàn được, đúng là lừa đảo mà.
- Hết hiệp một ta đã nghĩ cầm chắc tiền trong tay, lão bà ơi, ta có lỗi với nàng …

Nhưng đau khổ của người này luôn đi kèm với sung sướng của kẻ khác.

Có người đang hét lên:
- Ma Lĩnh ghi bàn! Trời ơi! Ma Lĩnh ghi bàn rồi! Ta giàu rồi! Mị Cơ, ta đến với nàng đây.
Ánh mắt ghen tỵ nhìn theo tên này, có người nhổ bãi nước bọt thầm mong hắn thượng mã phong trên bụng nữ nhân Mị Cơ kia.

Cục diện hỗn loạn còn diễn ra một lúc lâu.

Đến khi quân hầu phát loa, kêu gọi mọi người trật tự mới dần ổn định.

Lúc này cũng đã gần đến chính ngọ.

Trần Quang Khải lấy lại bình tĩnh, liếc mắt nhìn Bách.

Bách tính toán thời gian đã gần đến lúc, giơ ngón cái lên biểu thị đã đến lúc.

Trần Quang Khải chắp tay:
- Thưa phụ hoàng! Hôm nay là ngày Hoàng đạo đại cát, đại lợi.

Con tổ chức trận xúc cúc này để mừng cha và anh.

Nay giờ lành sắp đến, kính xin phụ hoàng động viên dân chúng, quân sĩ vài lời, trao thưởng cho hai đội xúc cúc để bọn chúng hưởng cái ân đức của người.
Thái Tông đứng dậy, vỗ vào bả vai Trần Quang Khải:
- Ta rất đẹp lòng!
Nói đoạn đi đến trước đài.

Quân sĩ, dân chúng thấy trên đài cao, Thái Tông đi lên, tiếng ồn ào đang như chợ vỡ bỗng im bặt.

Tất cả quỳ xuống, ánh mắt cung kính.

Thái tông chậm rãi nói:
- Tiền triều có nhiều phiền hà chính sự, đến triều ta mọi sự đã được củng cố, trăm họ an cư lạc nghiệp.

Những kẻ phản loạn như Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn đều bị dẹp, lại đánh bại bọn ngoại xâm Thát Đát.

Đấy đều là do dân chúng một lòng rèn luyện võ nghệ.

Xúc cúc tuy chỉ là trò chơi nhỏ nhưng có nhiều đạo lý việc quân.

Ta thấy các khanh chăm lo rèn luyện thì cũng đẹp lòng.

Nay hai đội thi đấu đều gắng sức, lấy cục diện bất phân thắng bại làm kết quả.


Tấm biển “Đại Việt đệ nhất xã” trao cho đội nào thì cũng không hợp tình, ta tạm cất đi.

Định sang năm tổ chức giải đấu gồm tất cả các đội ở các châu phủ tham gia cùng, đội nào gắng công thì ta trao giải này.

Các khanh có đồng ý không?
Mọi người nghe thế thì hưng phấn không thôi, thực ra hai đội An Sinh xã và Chiêu Minh xã là hai đội nổi tiếng đương thời, đỡ đầu là các vương gia thế lực nhất nhưng còn nhiều xã đoàn khác cũng muốn tham gia những hoạt động này.

Chỉ là sao dám mở lời với bề trên.

Nay có giải đấu này thì không còn như vậy, chả phải cứ thoả sức mà thi đấu hay sao? Tất cả đồng thanh:
- Chúng thần tạ ơn ân đức Thượng hoàng!
Thái tông lại nói tiếp:
- Đấy là chuyện sang năm, còn hôm nay, hai đội thi đấu rất xuất sắc, cống hiến cho ta và khán giả nhiều pha bóng đẹp, không thể không động viên.

Ta thưởng hai đội vàng lụa, thưởng mỗi tuyển thủ thi đấu hôm nay một bình rượu ngự Lạc Đạo [1] để vinh quy mời phụ lão quê nhà.
Tuyển thủ hai đội mừng rỡ, phải nói thời xưa đây là vinh dự rất lớn.

Chuyện thưởng tiền thưởng bạc thì ai cũng thích.

Nhưng “Một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp”, nếu có bình rượu ngự vua ban, khi về quê nhà mời phụ lão trong làng thì vai vế trong làng tăng cao vô kể.

Thế mới nói quý không phải do rượu mà do chữ ngự ban kia.
Có lệnh vua, hai đội sắp hàng lên đài, từng người được Thái Tông đích thân trao thưởng, mắt ai cũng rưng rưng, có người vừa lại gần Thái Tông hai chân đã nhũn ra, định thần một lúc mới run rẩy nhận bình rượu.

Riêng Yết Kiêu và Dã Tượng được Thái Tông xoa đầu, cười mắng:
- Thắng thua là việc thường của binh gia, hôm nay đội Chiêu Minh xã có hậu chiêu, các ngươi phải nhìn ra chứ?
- Chúng thần vô dụng, chỉ trách Chiêu Minh Vương dùng quân quá hay, chúng thần không kịp trở tay.
- Chủ tớ nhà ngươi nếu cứ thắng mãi không phải nhàm chán lắm sao?
Nói đoạn lại ha hả cười.

Yết Kiêu và Dã Tượng buồn bực xấu hổ nhìn Trần Quốc Tuấn, chắp tay như có vẻ xin lỗi.

Người cuối cùng được trao thưởng là Quang Hải.

Hắn khuôn mặt hiền lành, ngô nghê, có lẽ do còn nhỏ tuổi mà không sợ sệt như các anh, thấy Thái Tông mà vẫn bình tĩnh.

Thái Tông lại thấy làm thích thú, trao bình rượu lại nói một câu.
- Sang năm có thành lập một đội tên là Hoàng gia, ngươi có hứng thú không?
Trắng trợn, đây là trắng trợn cướp người, Quang Khải cười khổ quay ra nhìn huynh trưởng thì Thánh Tông tươi cười không đáp.

Đành ngoảnh mặt làm ngơ.

Quang Hải thấy vua hỏi vậy, cũng không biết trả lời thế nào, nhưng hắn cũng không phải kẻ ngốc, nghĩ một lúc rồi đáp:
- Thần là thần tử chỉ xin nghe vua sai phái!
Thái Đường vỗ tay:
- Sang năm con sẽ cổ vũ cho đội Hoàng gia.
Thái Tông đắc ý cười dài, khen cho thiếu niên này giỏi ứng biến.

Lúc này đã là chính ngọ, bỗng đâu có người ngửng đầu lên trời, kinh ngạc:
- Mặt trời xuất hiện dị tượng, có hai quầng kìa!
[1] Rượu nấu ở làng Lạc Đạo – Hưng Yên.

Có câu thơ:
“Đất Lạc Đạo lưu linh say ngất
Rượu Nam bang đệ nhất là đây”



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện